BÀI TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12
Với Chủ điểm: "Uống nước nhớ nguồn"
Chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12
Cuốn sách giới thiệu:" Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa
Tác giả: Nguyễn Xuân Thuỷ
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!
“Cháu yêu chú bộ đội mà nụ cười sao thân thương quá
Cháu yêu chú bộ đội với dáng hình ở nơi đảo xa
Chú hát khi chiều xuống và con sóng cũng vỗ tay theo
Với bao nhiêu kỉ niệm là tuổi thơ dưới mái trường…”
Đó là lời ca trong bài hát “Cháu yêu chú bộ đội” của nhạc sĩ Quốc Khánh và cũng chính là tình cảm yêu mến đặc biệt mà các em thiếu nhi trên mọi miền Tổ quốc luôn hướng về các chú bộ đội đang ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, mang lại cuộc sống yên bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người dân trên đất nước Việt Nam. Chẳng biết từ bao giờ và từ đâu tình cảm đặc biệt đó luôn đong đầy trong lời nói, suy nghĩ, tâm hồn trong sáng của các bạn nhỏ chúng mình, phải vậy không các bạn?
Chúng mình may mắn được sinh ra, lớn lên và học tập khi đất nước đã bình yên, sống trong bầu không khí hòa bình, được tự do ngước nhìn mây trắng, trời xanh mà nghe những bao la dội về từ quá khứ. Đã qua rồi thời khói lửa bom đạn, xẻ núi băng rừng nên hai chữ “chiến tranh” chỉ hiện lên qua lời kể của bà, của mẹ, của thầy cô, và qua sách, báo, phim ảnh, qua các chuyến tham quan đến những di tích lịch sử theo dọc chiều dài đất nước… Nhưng chỉ cần vậy, chúng mình cùng đủ hình dung ra những hi sinh, gian khổ mà nhân dân và những người lính trải qua trong chiến tranh. Các bạn biết không? Chính những ý chí, nghị lực, sự kiên cường, dũng cảm của các anh bộ đội đã góp phần xứng đáng làm lên những chiến công hiển hách trong lịch sử hào hùng chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc của đất nước mình đấy, và nhân dân yêu mến đã gọi bộ đội ta bằng cái tên rất đỗi thân thương “Bộ đội Cụ Hồ”.
Các bạn thân mến!
Ngày 22/12 hàng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân ta thể hiện niềm tự hào và biết ơn sâu sắc những chiến sĩ đã đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hòa chung với không khí cả nước hân hoan chuẩn bị để đón chào 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, Thư viện Trường THCS Cộng Hoà xin trân trọng gửi đến quý thầy cô cùng tất cả các em cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”.
Cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành vào năm 2011, cuốn sách dày 90 trang, được in trên khổ 14,5x20,5cm.
Điều đầu tiên thu hút các bạn là hình ảnh trang bìa, được in trên nền giấy trang nhã, với ngọn hải đăng khổng lồ, xa xa là cảnh mây trời bao la và những rặng núi điệp trùng, những cánh chim hải âu đang đùa giỡn với sóng biển. Trên nền biển xanh là dòng chữ ghi tên cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa”.
Các bạn thân mến!
Ngay sau trang bìa là trang phụ, trang tên sách và lời giới thiệu của tác giả về Trường Sa - vùng biển đảo xa xôi của Tổ Quốc, không chỉ là xứ sở của sóng gió mà còn luôn chứa đựng những điều bí ẩn mà không phải ai trong chúng ta cũng có cơ hội được thưởng ngoạn, khám phá.
Sau lời giới thiệu cuốn sách, các bạn sẽ cùng tác giả Nguyễn Xuân Thủy du lịch đến với Trường Sa qua từng trang sách từ trang 7 đến trang 90. Chuyến du lịch đặc biệt ấy gồm 66 câu chuyện và được chia làm 6 chủ đề chính: Ra đảo, Mùa biển lặng, Mùa biển động, Kì thú biển trời Trường Sa, Thám hiểm đáy biển Trường Sa và Những người con giữ đảo.
Mỗi phần là những mẩu chuyện nhỏ, không dài lắm nhưng chứa đựng đầy đủ nội dung, giới thiệu về thiên nhiên, cây cối, loài vật, con người trên Quần đảo này.
Để có thể thám hiểm Trường Sa, trước hết các bạn sẽ phải làm quen với hành trình từ đất liền ra đảo.
Đó là một hành trình đầy gian nan và chắc các bạn sẽ tự hỏi để ra được Trường Sa chúng ta đi bằng phương tiện gì, liệu mình có bị say sóng không nhỉ, chúng ta sẽ thấy gì trên quãng đường đi? Các em hãy đọc các mẩu chuyện “Bến cảng, Tàu, Neo và nhổ neo, Các chú thủy thủ, Ngủ trên tàu và 1 số câu chuyện từ trang 7 đến trang 19 để biết được hành trình ra đảo như thế nào nhé.
Đến với Trường Sa, các bạn còn được tận mắt nhìn thấy hình ảnh Cây bàng vuông, Cây bàng tròn, Cây phong ba, Cây bão táp, Cây tra mà trên đất liền chắc hẳn các bạn chưa từng thấy bao giờ. Hãy lật mở từ trang 22 đến trang 25 và trang 27 để tìm hiểu sự lạ kỳ, sức sống mãnh liệt của những loài cây đó nhé.
Cùng với những loài cây quý hiếm, con vật nơi đây cũng rất đặc biệt. Đọc cuốn sách các bạn như cảm nhận được sự thân thiện của những người bạn cá heo, sự ngộ nghĩnh những người bạn gâu gâu, sự tinh nghịch của các chú cá chuồn, loài chim giỡn sóng và chắc chắn các bạn sẽ bật cười khi đọc đến những trang sách viết về sự khù khờ, chậm chạp của những chú vích, sự hung dữ của những chú cá bò sống dưới đáy đại dương.
Thời tiết ở Trường Sa cũng đặc biệt lắm. Nếu đến Trường Sa vào mùa biển lặng thì các bạn sẽ thấy biển bỗng trở nên dịu dàng và thân thiện đến lạ kỳ, con người và thiên nhiên như giao hòa với nhau. Trái ngược lại, vào mùa biển động nhìn ra tứ phía các bạn chỉ thấy những con sóng tung bụi trắng xóa cùng những tiếng gầm gào suốt ngày đêm.
Mặt biển và bầu trời Trường Sa cũng luôn chứa đựng những điều kì thú. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, trên vùng biển Trường Sa, các bạn có thể chứng kiến một vòng tuần hoàn của thiên nhiên từ nắng - mưa - giông - bão ; đủ sắc màu qua mỗi thời điểm bình minh - hoàng hôn, sự biến chuyển của màu sắc nước biển tạo nên những vùng biển màu xanh lá cây. Thật tuyệt vời phải không các em. Trang sách 52 đến 58 sẽ đem đến cho chúng mình điều lý thú này.
Không dừng lại ở đó, chuyến du lịch đến Trường Sa còn giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống của con người nơi đây, công việc canh giữ đảo đầy gian khổ của các chú bộ đội Trường Sa.
Đó là những cán bộ luôn giữ cho những ngọn đèn hải đăng đêm đêm quay đều, soi sáng, dẫn đường, chỉ lối cho tàu thuyền, những người đi biển đi đúng hướng. Đó là những người lính luôn có mặt để làm nhiệm vụ bảo vệ cột mốc chủ quyền đất nước. Đã có những chú bộ đội ngã xuống. Trên nền cờ đỏ của lá cờ Việt Nam tung bay trên các đảo nhỏ tại Quần đảo Trường Sa có cả máu của những người con đất Việt.
Đọc xong những mẩu chuyện nhỏ trong cuốn sách, chắc hẳn các bạn đều muốn viết thư ra Trường Sa cho các chú bộ đội. Điều đó thật đơn giản. Trang 90 - cũng là trang cuối cùng của cuốn sách sẽ hướng dẫn các em làm điều này. Những bức thư thăm hỏi, động viên của các bạn sẽ giúp các chú bộ đội Trường Sa làm việc thật tốt, chắc tay súng bảo vệ Tổ Quốc, để Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam.
Các bạn học sinh thân mến !
Chỉ với một “gói quà nhỏ”, chưa đầy 100 trang sách, với giọng văn tả cảnh tinh tế, đầy ắp những quan sát, liên tưởng nhưng hết sức gần gũi. Tác giả Nguyễn Xuân Thủy đã kéo gần khoảng cách địa lý để các bạn thấy Trường Sa thật gần gũi, thật đáng yêu và chứa đựng những điều vô cùng kỳ bí từ thiên nhiên đến con người, để các bạn thêm yêu đất đai Tổ quốc mình và có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, đất nước Việt Nam
Cuốn sách “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” hiện có trong “Tủ sách thiếu nhi” của thư viện trường THCS Cộng Hoà các thầy cô giáo và các bạn hãy đến thư viện nhà trường để mượn đọc tham khảo, cùng tìm hiểu, khám phá những điều thú vị về mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc này nhé.